Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 – 2021 là một bức tranh nhiều điểm nhấn. Đã có những nguy cơ và rồi cơ hội cũng xuất hiện cho những ai biết nhìn nhận và đánh giá một cách chính xác và khách quan.
1. Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam
1.1 Khái niệm về thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường diễn ra các hoạt động mua bán hay trao đổi cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán để kiếm lời hay thu hút vốn từ các nhà đầu tư tại Việt Nam. Các quan hệ mua bán này sẽ làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán. Sau khi các hoạt động diễn ra thì tư bản sở hữu chuyển sang thành tư bản kinh doanh.
Thị trường chứng khoán khác với thị trường kinh doanh thông thường, nó không có hàng hóa vật chất giao dịch một cách trực tiếp. Thay vào đó, họ sẽ coi quyền sở hữu về tư bản làm hàng hóa và chúng có giá trị và giá trị sử dụng bình thường. Và bản chất của thị trường chứng khoán chính là đáp ứng mối quan hệ cung cầu về nguồn vốn – tiền tệ dưới hình thức sở hữu.
1.2 Chức năng thị trường chứng khoán
Về cơ bản thì chức năng của mỗi thị trường chứng khoán đều giống nhau, dù ở Việt Nam hay bất kì quốc gia nào trên Thế giới. Tuy nhiên, sẽ có những yêu cầu đặc biệt phụ thuộc vào chính sách kinh tế của riêng họ. Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán được chia ra thành 5 chức năng chính:
- Thực hiện việc huy động động vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam (Bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước)
Ở đây, các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất, họ sẽ phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Những người có số vốn nhàn rỗi trên thị trường. Thông qua hình thức này, doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh hơn, sản xuất xã hội cũng được đầu tư, phát triển mạnh hơn.
- Tạo môi trường đầu tư cho người dân
Có nhiều loại chứng khoán với các cơ hội, mức rủi ro khác nhau. Họ có thể coi đây là một cơ hội đầu tư để kiếm thêm thu nhập thụ động.
- Thông qua thị trường chứng khoán để đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành theo dõi và nắm bắt được tình hình các doanh nghiệp kinh doanh nói chung. Qua đó, đánh giá được tác động của họ vào nền kinh tế sẽ như thế nào, ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực đến thị trường.
- Tạo tính thanh khoản cho các loại chứng khoán, tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu, v.v.
Nhờ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty phát hành sẽ đổi được từ chứng khoán sang tiền mặt hay sang các loại chứng khoán khác có giá trị hơn. Việc mua đi bán lại càng nhanh chóng và càng nhiều, điều đó giúp cho thị trường trở nên sôi động hơn, tính thanh khoản cũng cao hơn. Dễ mua, dễ bán.
- Là nơi hỗ trợ Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.
Chính phủ mặc dù không phát hành được Cổ phiếu, nhưng vẫn có thể huy động vốn từ người dân bằng Trái phiếu. Thông qua Trái phiếu là vốn góp lâu dài, Chính phủ Việt Nam sẽ có được một số vốn lớn để thực hiện các công trình xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, v.v.
1.3 Các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Hiện nay, có 4 nhóm chủ thể đang tham gia vào thị trường chứng khoán gồm:
- Nhà phát hành
Nhà phát hành là những người thông qua thị trường chứng khoán để huy động vốn bao gồm: Chính phủ, Tổ chức, Doanh nghiệp kinh doanh.
- Nhà đầu tư
Là những người có nguồn vốn nhàn rỗi hoặc muốn tăng thêm thu nhập thông qua việc mua Trái phiếu, cổ phiếu của nhà phát hành để lấy lãi. Nhà đầu tư cũng có thể là các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm hay Quỹ bảo hiểm xã hội, Ngân hàng thương mại, v.v.
- Các tổ chức kinh doanh
Bao gồm: Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư và các trung gian tài chính
- Các tổ chức liên quan đến thị trường chứng khoán
Các tổ chức liên quan gồm rất nhiều bên, trong đó chủ yếu là các tổ chức tài chính, cơ quan chức năng giám sát: Cơ quan quản lý Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, v.v.
2. Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Không chỉ tại Việt Nam, mà ngay cả nhiều nước trên Thế giới, tình hình kinh tế đã và đang đứng trước rất nhiều thách thức bởi đại dịch COVID -19, trong đó bao gồm cả thị trường chứng khoán. Ít nhiều đã có rất nhiều bên chịu ảnh hưởng không hề nhẹ.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách rộng và xa hơn, thì thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây vẫn đang có rất nhiều dấu hiệu tích cực và khả quan.
2.1 Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được những tác động tích cực
Thật may mắn là trong năm 2020, mặc dù chịu nhiều biến động chưa từng có trong lịch sử bởi đại dịch, tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá là 1 trong 10 thị trường phục hồi tốt nhất Thế giới. Nền kinh tế Việt Nam nói chung ở thời điểm đó được coi là điểm sáng trong khu vực và trên Thế giới. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã tìm được những cơ hội để đầu tư mạnh mẽ và thu được nhiều trái ngọt.
Tổng giá trị huy động vốn năm 2020 đạt gần 414 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt ngưỡng 84,1% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra là 70% GDP. Những số liệu cực kỳ khả quan cho các nhà đầu tư và cả doanh nghiệp phát hành.
2.2 Số lượng nhà đầu tư mới tăng cao hơn
Mặc cho thị trường nhiều biến động, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến với chứng khoán. Họ tin rằng đây mà một thị trường béo bở, vẫn phát triển tốt và là nơi tạo ra những nguồn thu nhập thụ động tốt hơn nhiều so với gửi tiền trong ngân hàng hay đầu tư vào các kênh khác.
Theo báo cáo, chỉ tính riêng trong năm 2020, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào việc giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng lên gấp đôi. Và nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới còn nhiều hơn số tài khoản mới của năm 2019 và năm 2020 cộng lại. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư cá nhân đang chú trọng và tập trung nhiều hơn vào đây. Không chỉ còn là những doanh nghiệp, tổ chức mới muốn tham gia vào thị trường này. Càng nhiều đối tượng, thành phần tham gia, tính thanh khoản càng cao, càng tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển.
2.3 Khối lượng giao dịch liên tiếp tăng
Không chỉ dừng ở số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường, mà khối lượng, số phiên giao dịch cũng liên tiếp tăng. Điều này cho thấy, họ đã bắt đầu mạnh tay hơn, quy luật cung cầu liên tục thay đổi, không còn tâm lý dè chừng hay theo dõi biến động của thị trường như trước. Thậm chí, vào ngày 01/6/2021, Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh – HOSE bị tắc nghẽn và phải đóng cửa sớm vào buổi chiều.
2.4 Vẫn còn tiềm ẩn rủi ro
Đây là điều chắc chắn, không phải chỉ tại thị trường Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng vậy. Trong năm 2020 – 2021, Thế giới đã có quá nhiều sự thay đổi. Rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn việc kinh doanh để chờ thời điểm công bố phá sản.
Chưa kể, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các cường quốc trên Thế giới cũng khiến cho chúng ta bị ảnh hưởng, lạm phát tăng nhanh, nguy cơ nợ xấu vẫn có thể xảy ra nếu như nền kinh tế không phục hồi được như mong đợi.
Thêm vào đó, việc cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước rất chậm cũng là một trong những hạn chế cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết luận
Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 – 2021 không phải không có những điểm sáng. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải biết nắm bắt cơ hội, tính toán, phòng ngừa rủi ro và coi đây là một ngành nghề để tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Tổng hợp: toptradingforex.com