Tín hiệu Phân kỳ RSI (Divergence RSI) là tín hiệu có được khi diễn biến giá trên thị trường và các chỉ báo RSI có sự đối lập rõ rệt. RSI là một chỉ báo động lượng phân tích kỹ thuật trong Forex nhằm đo lường mức độ biến động của giá và xác định điểm quá mua và quá bán của thị trường. Đây được nhiều nhà đầu tư xem là tín hiệu tin cậy cho dự báo pha đảo chiều của thị trường. Phân kỳ RSI trong Forex hiệu quả như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp thông tin cụ thể về tín hiệu Phân kỳ RSI siêu hot này nhé.
RSI là gì?
Hiểu được RSI là gì sẽ giúp việc tìm hiểu về phân kỳ RSI trở nên dễ dàng hơn. Vậy chỉ báo RSI là gì?
RSI (Relative Strength Index) là chỉ số sức mạnh tương đối được phát triển bởi J. Welles Wilder Jr. nhằm đo lường mức độ thay đổi giá gần đây, để xác định vùng mua (overbought) quá mức hoặc bán quá mức (oversold) trong giá forex hoặc tài sản khác. Chỉ báo RSI hiển thị dưới dạng đồ thị dao động giữa hai điểm cực trên và cực dưới cùng với các chỉ số có giá trị từ 0 đến 100.
Chỉ báo RSI đi lên cho thấy loại tiền đó đang được nhà đầu tư tích cực mua trên thị trường, xu hướng diễn biến giá tăng. Chỉ số RSI đi xuống cho thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với loại tiền đó đang chậm lại và họ có có thể sẽ bán đi, xu hướng diễn biến giá giảm.
Công thức của chỉ báo RSI là gì?
Chỉ báo RSI được xác định thông qua các chỉ số về trung bình cộng tăng, trung bình cộng giảm cùng số chu kỳ phiên giao dịch. Cách tính RSI như sau:
RSI = 100 – 100/ (1+RS)
Trong đó:
Thông số được cài đặt mặc định của RSI là 14 kỳ (chu kỳ 14 phiên giao dịch).
RS: là chỉ số sức mạnh tương đối và được xác định bằng RS = AG/ AL. Cụ thể:
- AG (Average Gain): trung bình tổng số kỳ tăng trong 14 kỳ;
- AL (Average Loss): trung bình tổng số kỳ giảm trong 14 kỳ;
RSI sẽ cho nhà đầu tư cái nhìn rõ ràng nhất về động thái mua bán của nhà đầu tư trước diễn biến giá và nắm bắt được thời điểm tốt nhất để tiến hành giao dịch.
Ý nghĩa chỉ báo RSI là gì?
Dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm giá trên thị trường
- Xu hướng tăng khi: giá trị chỉ báo RSI vượt ngưỡng 50 theo hướng từ dưới lên, và nằm trong vùng 45 – 55 sau đó tiếp tục vượt cao khỏi vùng 55;
- Xu hướng giảm khi: giá trị chỉ báo RSI vượt ngưỡng 50 theo hướng từ trên xuống và nằm trong vùng 45 – 55 nhưng tiếp tục vượt xuống dưới vùng 45.
Xác định được xu hướng của nhà đầu tư
Xác định được vùng quá mua hoặc quá bán trong biên độ dao động từ 0 đến 100 của RSI trong Forex, khi indicator xác định xu hướng dịch chuyển về gần con số 100 thì sức mua của thị trường tăng mạnh. Nếu chỉ số lùi lại gần về 0 thì sức bán ra đang tăng cao. Vùng quá mua (RSI 70) khi RSI>70 và vùng quá bán khi RSI <30.
Phân kỳ RSI là gì?
Phân kỳ RSI xuất hiện khi chỉ báo RSI có xu hướng đi ngược lại với diễn biến giá. Dễ thấy đường RSI thông thường sẽ chạy tương tự với đường giá, tức là cùng xu hướng lên xuống. Nhưng nếu đột nhiên RSI tại có dấu hiệu đi xa ra khỏi đường giá.
Lúc này giá liên tục tạo đỉnh mới nhưng đỉnh của RSI lại thấp hơn dần, hoặc giá liên tục ra các đáy thấp hơn nhưng đáy RSI lại cao dần lên nhằm báo hiệu cho chúng ta thấy sự đảo chiều của thị trường.
Có những loại phân kỳ RSI nào?
Chỉ báo RSI tạo ra 2 tín hiệu phân kỳ RSI cơ bản là phân kỳ RSI thường (regular divergence hay classic divergence) và phân kỳ RSI ẩn (hidden divergence). Phân kỳ RSI thường sử dụng để xác định sự đảo chiều của xu hướng trong khi đó phân kỳ RSI ẩn dùng để xác định sự tiếp diễn của xu hướng.
Phân kỳ RSI thường là gì?
Phân kỳ thường tín hiệu dự báo cho một sự đổi chiều. Lúc này, đường diễn biến giá cho thấy đỉnh sau cao hơn đỉnh trước trong khi RSI lại cho đỉnh sau thấp hơn đỉnh. Điều này cho thấy sức mua đồng tiền đã giảm sút, thị trường có thể đổi chiều, hoặc khi giá tạo đáy thấp mới nhưng RSI thì tạo đáy mới cao hơn đáy cũ, lúc này lực bán ra đã giảm bớt và có thể thị trường sẽ đổi chiều tăng lên.
Phân kỳ thường
Phân kỳ RSI kín là gì?
Phân kỳ kín RSI còn gọi là phân kỳ tiếp diễn bởi ý nghĩa mà nó mang lại. Phân kỳ kín sẽ cho phép nhà đầu tư theo dõi xu hướng tăng giảm để giao dịch theo xu hướng thay vì chờ đợi vào sự đổi chiều mà không chắc sẽ xảy ra.
Sử dụng phân kỳ RSI đầu tư như thế nào?
Tương ứng với hai loại phân kỳ thường và phân kỳ kín ta sẽ có 4 chiến lược đầu tư đi cùng như bên dưới.
Phân kỳ RSI thường tăng giá (bullish divergence)
Phân kỳ RSI thường tăng giá hay còn biết đến với tên gọi phân kỳ dương, sẽ xuất hiện khi thị trường trong một xu hướng giá giảm khi giá tạo liên tiếp những đáy thấp dần (Lower Lows), trong khi đó RSI lại liên tục tạo đáy mới cao hơn (Higher Lows).
Đường RSI tạo đáy cao hơn liên tục cho thấy động lượng giảm giá thực sự đã yếu đi nhiều. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một sự đổi chiều sang xu hướng tăng. Tuy nhiên, đây thường chỉ là tín hiệu khởi đầu, nhà đầu tư thường cần thêm một chỉ báo khác để xác định tính chính xác của phân kỳ này.
Phân kỳ RSI thường giảm giá (bearish divergence)
Phân kỳ RSI giảm giá hay còn biết đến với tên gọi phân kỳ âm, xuất hiện khi thị trường đang trong một xu hướng giá tăng, khi giá liên tiếp tạo các đỉnh sau cao hơn (Higher Highs), trong khi đó RSI lại liên tục tạo đỉnh sau thấp hơn (Lower Highs).
Đường RSI tạo đáy đỉnh sau thấp hơn liên tục đang cho thấy động lượng tăng giá đã yếu đi nhiều, có thể có đảo chiều giảm giá xuất hiện. Tuy nhiên, nhà đầu cũng sẽ cần thêm 1 tín hiệu khác để chắc chắn thị trường đảo chiều khi xem xét chỉ số.
Phân kỳ RSI ẩn tăng giá (hidden bullish divergence)
Phân kỳ RSI ẩn tăng giá (phân kỳ tiếp diễn xu hướng tăng) là tín hiệu xuất hiện khi thị trường đang trong xu hướng tăng nhưng giá liên tiếp tạo đáy cao hơn (Higher Lows), trong khi đường RSI lại tạo đáy thấp hơn (Lower Lows).
Đây có thể thấy trong ngắn hạn, xu hướng giá sẽ tiếp tục diễn biến tăng dù cường độ có giảm đi chút ít. Xác định được tín hiệu này nhà đầu tư có thể vào lệnh Buy ngay vì phân kỳ kín được có độ tin cậy cao hơn phân kỳ thường do giao dịch thuận theo xu hướng. Thông thường nhà đầu tư có thể kết hợp với mô hình diễn biến giá và nến Nhật để có nhận định tốt hơn.
Phân kỳ RSI ẩn giảm giá (hidden bearish divergence)
Phân kỳ RSI ẩn giảm giá (phân kỳ tiếp diễn xu hướng giảm) là tín hiệu xuất hiện khi thị trường trong một xu hướng giảm nhưng giá liên tiếp tạo đỉnh thấp hơn (Lower Highs) trong khi đường RSI lại liên tục tạo đỉnh cao hơn (Higher Highs).
Trong ngắn hạn, xu hướng giảm sẽ có thể tiếp diễn dù cường độ giảm của nó không còn mạnh. Nhà đầu tư nên thực hiện lệnh Sell ngay theo xu hướng bán ra của thị trường. Có thể kết hợp mô hình diễn biến giá và nến Nhật để xác nhận lại thông tin.
Các sai lầm thường gặp với phân kỳ RSI?
Sử dụng máy móc các chỉ báo trong phân tích kỹ thuật thường khiến nhà đầu tư gặp rắc rối khi thị trường không diễn biến theo kỳ vọng. Trong đó, khi chỉ sử dụng RSI nhà đầu tư dễ thực hiện lệnh BUY khi diễn biến thị trường đang quá Bán, giá mua của bạn có thể không tốt khi thị trường tiếp tục giảm mà không đảo chiều.
Thực hiện lệnh SELL khi diễn biến thị trường đang quá Bán, giá bán của bạn có thể sẽ không đủ cao khi thị trường tiếp tục tăng mà không đảo chiều.
Chỉ báo chỉ mang tính dự báo, không phải bất cứ khi nào đều chính xác. Vì vậy, để gia tăng tính chính xác của chỉ báo, nhà đầu tư cần kết hợp thêm một số chỉ báo khác để giúp xác định được xu hướng thật của thị trường như phân tích đa khung thời gian, Moving Average, mô hình nến. Hoặc sử dụng Failure Swings để theo dõi diễn biến của RSI khi nó ra khỏi vùng quá mua, quá bán.
Bài viết đã cung cấp thông tin cụ thể về phân kỳ RSI và cách sử dụng tín hiệu này trong đầu tư Forex. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm hiểu thêm phân kỳ trong chứng khoán là gì, hãy tham khảo những bài viết tiếp theo của chúng tôi. Hi vọng nhà đầu tư sẽ có nhận định đúng đắn và quyết định đầu tư kịp thời để thu được hiệu quả tốt nhất.