Sàn chứng khoán New York tọa lạc tại số 11 Phố Wall, Mỹ. Địa chỉ này đã trở thành điểm thu hút khách du lịch của New York, cũng như nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim về tài chính. Vậy sàn chứng khoán này có gì đặc biệt, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
1. Giới thiệu chung
Sàn chứng khoán New York (NYSE) này được coi là sàn chứng khoán lớn nhất trên thế giới hiện nay vì theo thống kê, giá trị vốn hóa thị trường của hầu hết các công ty lớn nhất trên thế giới, được niêm yết trên NYSE.
Theo dữ liệu của Statista tính đến tháng 4 năm 2020 (đây là thời kỳ thị trường chứng khoán sụt giảm do đại dịch Covid), tổng vốn hóa đã vượt quá 25 nghìn tỷ USD.
2. Câu hỏi thường gặp về NYSE
2.1. NYSE mở cửa khi nào?
Lịch làm việc của Sở Giao dịch Chứng khoán New York là từ 9h30 đến 16h (giờ miền Đông) vào các ngày làm việc trong tuần.
Sàn giao dịch không hoạt động vào tất cả các ngày lễ chính thức và cũng có thể không hoạt động trong trường hợp nghỉ bù:
- Thứ sáu nếu một ngày lễ là vào Thứ bảy,
- Thứ hai nếu một ngày lễ là vào Chủ nhật.
2.2. IPO trên NYSE là gì?
IPO trên NYSE là hình thức lần đầu phát hành cổ phiếu của công ty ra công chúng. Không phải tất cả các công ty đều có thể chào bán cổ phiếu của mình trên sàn NYSE. Việc này liên quan đến các yêu cầu khắt khe của sàn: Sau cuộc sụp đổ lớn năm 1837, sàn bắt đầu yêu cầu các công ty phải tiết lộ thông tin tài chính về hoạt động của họ. Theo thời gian, các yêu cầu tiêu chuẩn đối với tổ chức phát hành ngày càng trở nên phức tạp và khắt khe hơn. Ví dụ về sự khắc khe đó là, hội đồng quản trị của một công ty nếu muốn được niêm yết trên sàn chứng khoán New York phải bao gồm các giám đốc độc lập (là những người không thuộc bộ phận của công ty).
2.3. Chỉ số chứng khoán trên NYSE là gì?
Chỉ số chứng khoán là tập hợp bởi các doanh nghiệp của một quốc gia đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán(trên NYSE nói riêng và toàn bộ sàn giao dịch nói chung). Các chỉ số này dùng để đánh giá thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế, tài chính của một quốc gia. Một số chỉ số nổi tiếng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ như: Dow Jones, S&P 500, NYSE Composite và Chỉ số NYSE US 100.
2.4. Quy tắc tạm dừng giao dịch là gì?
Sàn giao dịch đã đưa ra quy tắc tạm dừng giao dịch nếu có nhiều trường hợp gặp sự cố dẫn đến gây nhiễu loạn thị trường. Cụ thể, nếu chỉ số S&P 500 giảm 7%, 13% hoặc 20%, giao dịch sẽ tạm dừng trong 15 phút. Nếu chỉ số giảm hơn 20%, giao dịch sẽ tạm dừng cho đến cuối ngày giao dịch. Quy tắc này được đưa ra để ổn định hệ thống tài chính và tránh các tình huống bán khống, bán tháo xuất hiện.
3. Cột mốc phát triển của NYSE
Năm 1792 – sàn chứng khoán New York được thành lập bởi 24 đại lý bán cổ phiếu. Ban đầu, chỉ có năm loại chứng khoán được giao dịch trên sàn bao gồm cổ phiếu của hai ngân hàng và ba loại trái phiếu nhà nước.
Năm 1886 – Khối lượng giao dịch bắt đầu tăng cao, đạt 1 triệu cổ phiếu mỗi ngày.
Năm 1929 – Sự sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ diễn ra trên sàn NYSE, sau đó là cuộc Đại suy thoái kéo dài hơn 10 năm.
Năm 1934 – NYSE được đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Năm 1987 – Thị trường chứng khoán giảm 22,6% trong một ngày.
Năm 1997 – Khối lượng giao dịch NYSE tăng mạnh đạt 1 tỷ cổ phiếu mỗi ngày.
Năm 2001 – Giao dịch bị tạm dừng trong bốn ngày do vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Mỹ. Khoảng 1,4 nghìn tỷ USD giá trị giao dịch đã bị mất chỉ trong 5 ngày sau khi sàn giao dịch mở cửa, có thể nói đây chính là mất mát lớn nhất trong lịch sử tài chính bấy giờ.
Năm 2006 – Sàn chứng khoán New York ngừng hoạt động dưới hình thức công ty tư nhân và chuyển đổi thành công ty đại chúng.
Năm 2007 – NYSE hợp nhất với sàn giao dịch lớn nhất châu Âu – Euronext. Công ty mới được đặt tên là NYSE Euronext.
Năm 2008 – Sở giao dịch chứng khoán Mỹ được mua và đổi tên thành NYSE Amex Equities.
Năm 2013 – NYSE Euronext được Intercontinental Exchange (ICE) mua với giá 11 tỷ USD.
Năm 2020 – NYSE chuyển sang hoạt động điện tử do đại dịch COVID-19.
4. Các sự thật thú vị
4.1. Tên gọi
Khi sàn giao dịch chứng khoán lần đầu tiên được thành lập vào tháng 5 năm 1792, 24 nhà môi giới đã ký một văn bản gọi là “Thỏa thuận Buttonwood”, bạn biết không, thỏa thuận này được đặt theo tên của Cây Buttonwood. Cái cây này không chỉ đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho tên của một số tài liệu bây giờ, mà còn trở thành địa điểm cho giao dịch chính thức.
Vào thời điểm này, nhóm được biết đến với tên gọi New York Stock & Exchange Board (NYS & EB).
Trong một năm, các nhà môi giới của NYS & EB sẽ chính thức gặp nhau dưới gốc cây để thực hiện giao dịch của họ. Năm 1793, một nhóm môi giới chứng khoán đã xây dựng Tontine Coffee House tại ngã tư của phố Wall và phố Water. Đây nhanh chóng trở thành địa điểm gặp gỡ giao thương và thư từ mới.
Năm 1863, tên này được đổi từ New York Stock & Exchange Board thành New York Stock Exchange hay NYSE và được dùng tới ngày nay.
4.2. NYSE đóng cửa
Trong Thế chiến thứ nhất, các hoạt động tại Sở giao dịch chứng khoán New York đã chấm dứt hoàn toàn. Việc ngừng hoạt động bắt đầu vào ngày 31 tháng 7 năm 1914 và kéo dài thêm 4 tháng rưỡi nữa. Cho đến ngày nay, đó là khoảng thời gian đóng cửa dài nhất trong lịch sử sàn chứng khoán New York.
Vẫn còn nhiều sự cố khác đã khiến sàn phải đóng cửa hơn 1 ngày như:
- Năm 1888, cúp điện do thời tiết buộc phải đóng cửa trong vài ngày.
- Sau ngày 11/9, 4 ngày không có một phiên giao dịch nào được tổ chức.
- Bão Sandy dẫn đến đóng cửa hai ngày vào tháng 10 năm 2012.
4.3. Từng mở cửa cho công chúng
Tòa nhà của Sở giao dịch chứng khoán New York đã đóng cửa đối với công chúng kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Ground Zero. Trước ngày 11/9, du khách có thể tham quan tòa nhà và theo dõi các hoạt động mà sàn giao dịch này diễn ra một cách thoải mái.
Ngày nay, những người duy nhất được phép vào trong là những người môi giới. Nơi gần nhất bạn có thể đến với tư cách là một du khách là ngay bên cạnh hàng rào bảo vệ bên ngoài. Mặc dù nằm trên con phố cổ với mặt tiền đẹp, nhưng đứng ở ngoài thì bạn không thể nào chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp kiến trúc của nó đâu!
Tuy nhiên, nếu bạn muốn xem liệu trong sàn này người ta sẽ giao dịch như thế nào thì cũng đừng quá lo lắng. Sự thật là, do những tiến bộ trong công nghệ trong thời nay, rất ít giao dịch trên Phố Wall thực sự được thực hiện trên chính sàn giao dịch. Hơn 90% giao dịch hiện nay đang diễn ra trực tuyến mất rồi.
5. Kết
Chúng tôi đã giới thiệu đến bạn sơ lược về sàn chứng khoán New York – sàn giao dịch lớn nhất thế giới hiện nay. Mong rằng với những thông tin căn bản này, bạn sẽ hiểu hơn về sự hình thành, quá trình phát triển và những sự thật thú vị đằng sau nó.
Tổng hợp: toptradingforex.com