Trái phiếu (Bonds) được xem là hình thức đầu tư an toàn và ổn định. Trái phiếu được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi sự đơn giản, ít rủi ro. Hiện tại, có rất nhiều loại trái phiếu với đặc điểm và lợi suất khác nhau. Vậy đâu là các loại trái phiếu tốt nhất trong hàng trăm loại trái phiếu ngoài thị trường? Bài viết bên dưới sẽ phân loại và gợi ý những loại trái phiếu tốt trên thị trường hiện nay.
1. Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là gì? Trái phiếu là một chứng khoán nợ trong đó xác nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành trái phiếu về việc phải trả cho người nắm giữ trái phiếu một khoản tiền cụ thể (mệnh giá) trong một thời gian xác định trong tương lai cùng một khoản lợi tức được quy định cụ thể.
Nói dễ hiểu, trái phiếu là một giấy tờ có giá mà người sở hữu trái phiếu (trái chủ) sẽ được nhà phát hành thanh toán vốn gốc và lãi sau một thời gian cụ thể. Đây có thể xem là một khoản vay mà trong đó trái chủ là bên cho vay, người phát hành là bên đi vay và hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận.
2. Đặc điểm của trái phiếu là gì?
Các loại trái phiếu tuy có khác nhau về mục đích phát hành và tính năng nhưng về cơ bản chúng vẫn có những đặc điểm như:
- Thu nhập của trái phiếu là lợi tức thu được sau khi đến hạn, là khoản tiền cố định và lợi tức không phụ thuộc kết quả kinh doanh của người phát hành;
- Là chứng khoán nợ nên mối quan hệ giữa trái chủ và người phát hành là chủ nợ và con nợ. Đồng nghĩa là trái chủ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về hiệu quả, cách thức sử dụng vốn vay này và cũng không có quyền can thiệp vào hoạt động của bên phát hành;
- Khi nhà phát hành gặp phải vấn đề trong khi hoạt động dẫn đến phá sản hoặc giải thể thì trước tiên phải có nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ sau đó mới tới cổ đông;
- Mệnh giá được ghi trên trái phiếu là vốn gốc của khoản vay, trái tức chính là phần lãi vay phát sinh dựa trên lãi suất ghi trên trái phiếu.
- Thời gian đáo hạn và lãi suất được thể hiện cụ thể rõ trên trái phiếu. Thông thường trái phiếu có thời hạn trên 1 năm, Tuy nhiên, nhiều nhà phát hành cũng đưa ra các loại trái phiếu 3, 6, 9 tháng để tăng tính thanh khoản và thu hút người mua.
- Trái phiếu được phát hành dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; dữ liệu điện tử là phổ biến nhất.
- Là tài sản tài chính nên trái phiếu có tính sinh lời, tính rủi ro và tính thanh khoản, có thể mua đi bán lại nhiều lần.
Những đặc điểm nổi bật trên giúp trái phiếu được nhiều nhà đầu tư ngại rủi ro lựa chọn là kênh đầu tư lâu dài và an toàn so với cổ phiếu, forex… Trái phiếu lại có lợi tức khá cao so với tiền gửi ngân hàng, nên không ít nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ tiết kiệm sang đầu đầu tư các loại trái phiếu.
3. Có các loại trái phiếu nào trên thị trường?
Căn cứ vào đơn vị phát hành, mức độ đảm bảo thanh toán, tính chất, lợi tức của các loại trái phiếu mà chia chúng ra nhiều loại khác nhau.
3.1. Phân loại theo nhà phát hành
Nếu phân loại dựa trên nguồn gốc và đơn vị phát hành trái phiếu thì có các loại trái phiếu sau đây:
3.1.1. Trái phiếu chính phủ
Giống như tên gọi, đây là trái phiếu được phát hành bởi chính phủ, xác nhận nghĩa vụ của chính phủ trong việc trả gốc và lãi khi đến hạn. Đây là một trong các loại trái phiếu an toàn nhất nhưng lãi suất thường không cao.
3.1.2. Trái phiếu doanh nghiệp
Là loại trái phiếu do doanh nghiệp phát hành nhằm tăng vốn hoạt động, mở rộng kinh doanh… và xác nhận nghĩa vụ trả gốc, lãi của doanh nghiệp và thường được phát hành dưới dạng điện tử và bút toán ghi sổ. Nên lựa chọn những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, lịch sử hoạt động tốt và minh bạch để mua trái phiếu. Đây là trái phiếu phổ biến và hấp dẫn do lãi suất cạnh tranh.
3.1.3 Trái phiếu kho bạc
Đây là một trong những loại trái phiếu chính phủ phổ biến nhất do kho bạc phát hành. Mục đích chính là huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ nhân dân và trên thị trường để bù đắp thâm hụt tạm thời của ngân sách hoặc theo chính sách kiểm soát tiền tệ . Trái chủ cũng được trả gốc và lãi theo quy định.
Các loại trái phiếu kho bạc thường có thời hạn 1 năm trở lên. Đây là trái phiếu có tính thanh khoản cao nhất và rủi ro thấp nhất.
3.1.4. Trái phiếu ngân hàng
Đây là trái phiếu do ngân hàng phát hành nhằm mục đích huy động vốn hoạt động trong một thời gian ngắn. Loại hình trái phiếu này có độ an toàn và lãi suất cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm nên được khá nhiều người dân lựa chọn đầu tư trong lâu dài.
Hiện tại nhiều ngân hàng ra mắt những loại trái phiếu có thời gian ngắn dưới 12 tháng nằm tăng huy động vốn từ khách hàng với lãi suất hấp dẫn.
Ngoài ra, còn một số loại trái phiếu khác do chính quyền địa phương chủ động phát hành nhằm tăng cường ngân sách ngắn hạn cho địa phương nhờ nguồn vốn nhàn rỗi địa phương và được quản lý và cấp phép bởi Nhà nước.
3.2. Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán
Đây là phân loại theo mức độ rủi ro của trái phiếu. Để tăng mức độ an toàn cho các loại trái phiếu và thu hút nhà đầu tư, nhà phát hành đưa ra đảm bảo có tài sản đi kèm. Cụ thể như sau:
3.2.1. Trái phiếu có đảm bảo
Trái phiếu được đảm bảo về việc chi trả bằng những tài sản thế chấp cụ thể, thông thường là bất động sản và các thiết bị, máy móc, dây chuyền… Trái chủ được cam kết bảo vệ quyền lợi ở một mức độ cao trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, vì họ có quyền đòi nợ đối với một tài sản cụ thể được xác định trên trái phiếu.
Trái phiếu này an toàn nhưng ít phổ biến do tính chất phức tạp và thông qua các quá trình liên quan đến định giá tài sản thế chấp…
3.2.2. Trái phiếu không bảo đảm
Trái phiếu không đảm bảo còn gọi là trái phiếu tín chấp, và được đảm bảo nghĩa vụ chi trả bằng danh tiếng của doanh nghiệp thay vì tài sản đi kèm. Nếu doanh nghiệp bị phá sản, những trái chủ của trái phiếu không đảm bảo được giải quyết quyền lợi sau trái chủ có bảo đảm, nhưng trước cổ đông.
Các loại trái phiếu tín chấp có thể cho phép chuyển đổi thành cổ phiếu thường, và thời gian chuyển đổi tùy theo thỏa thuận. Trái phiếu không đảm bảo hiện rất phổ biến trên thị trường.
3.3. Phân loại dựa vào tính chất của trái phiếu
Dựa trên đặc tính riêng của trái phiếu mà còn phân loại trái phiếu như sau:
3.3.1.Trái phiếu có quyền mua thêm cổ phiếu
Trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ có quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu của bên phát hành.
3.3.2. Trái phiếu có thể mua lại
Đây là các loại trái phiếu cho phép bên phát hành có quyền mua lại một hoặc toàn bộ trái phiếu trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán. Thường dùng để phòng ngừa biến động lãi suất thị trường.
3.3.3. Trái phiếu có thể chuyển đổi
Đây là loại mà trái chủ có quyền chuyển từ trái phiếu sang cổ phiếu của doanh nghiệp. Việc này được quy định rõ ràng về thời gian, tỷ lệ khi mua trái phiếu.
3.4. Phân loại theo cách tính lợi tức trái phiếu
Theo lợi tức thu được thì trái phiếu có thể được phân loại thành:
3.4.1. Trái phiếu có lãi suất cố định
Đây là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo 1 lãi suất (%) cố định tính theo mệnh giá suốt thời hạn trái phiếu.
3.4.2. Trái phiếu có lãi suất thả nổi
Là các loại trái phiếu mà lợi tức được chi trả trong các kỳ sẽ khác nhau dựa trên lãi suất được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu được thỏa thuận rõ trên trái phiếu. Loại này sẽ có rủi ro cho trái chủ nếu lãi suất thị trường có biến động giảm.
3.4.2. Trái phiếu không có lãi suất
Đây là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận được lãi, được mua với giá thấp hơn mệnh giá (giá mua chiết khấu) và được hoàn trả vốn gốc bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.
Trái phiếu là công cụ tài chính có tỷ suất sinh lời không quá cao nhưng lại có tính an toàn và ổn định hơn rất nhiều. Việc đa dạng hóa các loại trái phiếu và kỳ hạn cùng với mức điều chỉnh lãi suất hiện nay khiến kênh đầu tư này trở nên thu hút hơn trước rất nhiều. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu và lựa chọn trái phiếu.
Tổng hợp: toptradingforex.com