Mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Nó hoạt động và biến tướng với nhiều hình thức khác nhau. Với tiền thân là Mô hình Ponzi lừa đảo, bắt đầu xuất hiện từ những năm 1920 tại Mỹ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn Ponzi là gì trong bài viết này nhé!
1. Mô hình Ponzi là gì – Ponzi Scheme là gì?
Mô hình Ponzi (Ponzi scheme) là mô hình vay tiền hoạt động theo kim tự tháp, với người đầu tiên đứng trên đỉnh tháp. Người này sẽ xây dựng thành một hệ thống bên dưới của mình bằng việc kết nạp thêm nhiều thành viên. Người bên dưới càng nhiều thì người bên trên càng nhận được nhiều tiền hoa hồng. Ngoài ra, mô hình Ponzi còn hiện hữu dưới hình thức vay trả lợi nhuận cao. Ponzi sẽ sử dụng tiền của người tham gia sau để trả lãi cho người vào trước.
Cho đến nay, người ta vẫn coi Mô hình Ponzi hay Ponzi là một hình lừa đảo siêu cấp. Người đứng đầu sẽ huy động vốn từ những người khác để lấy lợi nhuận. Cứ như vậy, người sau trả tiền cho người vào trước. Càng nhiều người tham gia thì hệ thống càng phát triển. Nhưng đến một ngày nào đó, không có người tham gia, đồng nghĩa với việc hệ thống, mô hình sẽ tự động sụp đổ.
Ở Việt Nam Ponzi đã biến tướng thành nhiều dạng tinh tế hơn. Ponzi đội lốt bán hàng, người bán hàng trước sẽ kêu gọi người bán hàng tiếp theo tham gia mua sỉ để cùng kinh doanh và thu phí. Nhưng cũng chỉ là thu tiền từ những người dưới.
2. Nguồn gốc và sự hình thành của Mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi được đặt theo tên của cha đẻ của nó – ông Charles Ponzi, có xuất thân là một người Ý. Khi đặt chân đến nước Mỹ với ý định làm giàu, tìm kiếm một cơ hội đổi đời cho mình. Tuy nhiên, lúc này vỏn vẹn trong người ông chỉ có 2,5 USD. Số tiền quá ít để ông có thể sinh sống và trang trải ở đây.
Tham gia vào các sàn cờ bạc là cách mà Charles Ponzi làm nhưng luôn bị thua lỗ. Sau đó, liên tiếp thử nhiều công việc khác nhau nhưng cũng không thể nào thoát được cái nghèo.
Và vào năm 1920, Charles Ponzi đã phát hiện ra sự chênh lệch giữa tờ IRC – loại phiếu có giá trị như một tấm phiếu phát hành miễn phí giữa các quốc gia. Và chính lúc này, ông đã nhìn ra cơ hội đổi đời của mình bằng việc kinh doanh và buôn bán để ăn phần chênh lệch đó.
Charles Ponzi đã thành lập công ty, tiến hành huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thay vì buôn bán tem như thông thường, hắn đã mời gọi các nhà đầu tư và hứa sẽ trả một khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ sau 30 ngày tham gia. Cứ như vậy, người đầu tiên được nhận được tiền từ những người vào sau, người sau lấy tiền đầu tư của mình để trả cho những người đi trước và hy vọng cũng sẽ nhận được những khoản tiền khổng lồ như vậy mà chẳng cần phải làm gì.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu lộ ra, các chuyên gia tài chính nhận thấy rằng Charles Ponzi không hề dùng tiền của nhà đầu tư để kinh doanh phiếu IRC. Đã có những dấu hiệu không trung thực và lừa đảo ở đây. Và rồi điều gì đến cũng sẽ đến. Vô số khách hàng không còn nhận được lãi như những cam kết từ trước. Không còn người đầu tư vào thì sẽ không có tiền để trả cho những người đi trước. Đế chế Ponzi bắt đầu có sự chao đảo và sụp đổ.
Vào ngày 13-8-1920, Charles Ponzi chính thức bị bắt với tội danh lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền mà ông đã lừa ở thời điểm đó lên đến 15 triệu USD. Một con số khổng lồ vào những năm 1900s. Hệ lụy kéo theo là 6 ngân hàng của nước Mỹ rơi vào tình trạng phá sản.
Và rồi, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích tài chính cũng nhận ra rằng, Charles Ponzi đã sử dụng một chiêu thức lừa đảo cực kỳ đơn giản “lấy của người này trả cho người kia”. Cho đến thời điểm hiện tại, Mô hình Ponzi không những không biến mất mà còn biến tướng, trở thành nhiều mô hình đa cấp khác nhau, lừa đảo tại nhiều quốc gia trên Thế giới.
3. Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào?
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ miêu tả cách thức hoạt động của Mô hình Ponzi một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Đầu tiên, một tổ chức hay cá nhân nào đó đứng ra kêu gọi vốn và hứa sẽ trả cho nhà đầu tư một khoản lãi khổng tổ. Tất nhiên, mức lãi này thường sẽ cao hơn nhiều lần so với ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác.
Người gọi vốn – “Ponzi con” sẽ trả lãi đều đặn trong một thời gian nào đó để nhà đầu tư tin tưởng và tiếp tục cho vay hoặc kêu gọi thêm bạn bè, người khác tham gia vào. Lúc này, khi đã có người thứ hai tham gia, “Ponzi con” lấy tiền của người thứ hai để trả cho người đầu tiên. Người thứ ba khi tham gia sẽ trả tiền cho người thứ hai.
Cứ như vậy, việc xoay vòng lặp đi lặp lại cho đến khi không có người tham gia và không thể trả được lãi cho những người đầu tiên. Lúc này, “Ponzi con” sẽ “cuỗm” toàn bộ số tiền của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Rất khó để lấy lại được số tiền đã đầu tư dù có thể tìm thấy “Ponzi con”. Bởi vì chúng chấp nhận ngồi tù vài năm thay vì phải hoàn lại số tiền quá lớn đã lừa đảo.
Hiện nay, Mô hình Ponzi không chỉ đơn thuần là huy động vốn như trước đây. Để che mắt và biến đổi, chúng sử dụng với nhiều hình thức khác nhau như huy động đầu tư cổ phiếu, chứng khoán, tiền điện tử, các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm chức năng, v.v. Nếu như không tỉnh táo và tự bổ sung tin tức, kiến thức cho mình thì nhà đầu tư rất dễ bị lừa.
4. Dấu hiệu nhận biết Mô hình Ponzi lừa đảo
Trên thực tế vẫn tồn tại những mô hình đa cấp hoạt động theo hình thức hợp pháp, được pháp luật công nhận. Vẫn theo hình thức kim tự tháp như Mô hình Ponzi. Tuy nhiên, trái với việc lấy tiền của người này trả cho người kia mà không cần làm gì, những người tham gia vào mô hình đa cấp chân chính buộc phải tham gia vào việc bán hàng và mức lợi nhuận mà họ nhận được cũng không quá cao.
Vậy làm thế nào để phân biệt được Mô hình Ponzi lừa đảo?
4.1 Hứa hẹn được nhận lợi nhuận khủng
Không có một cái gì là dễ dàng, lợi nhuận cao mà không phải bỏ ra công sức và mồ hôi, nước mắt. Vậy nên nếu tự nhiên có “Ponzi con” nào đó đến và hứa sẽ trả cho bạn lợi nhuận gấp 5, 10 thậm chí là 20 lần lãi suất ngân hàng, vài trăm % chỉ sau một năm thì hãy cảnh giác. Chẳng có một loại hình kinh doanh nào có thể trả được mức lợi nhuận như vậy. Và giả như có thật thì cũng không bao giờ đến lượt bạn.
4.2 Không tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất
Phần lớn Mô hình Ponzi hoạt động mà không có sản phẩm nào được lưu thông, phân bổ trên thị trường. Đôi khi, chúng lại sử dụng những sản phẩm chất lượng thấp để làm mặt hàng trá hình lừa đảo người tham gia.
4.3 Rút lại vốn là điều rất khó
Tham gia vào thì dễ nhưng muốn lấy lại tiền đầu tư ban đầu thì lại rất khó. Chúng luôn tìm cách để trì hoãn việc này. Lúc thì hệ thống lỗi, lúc thì đang trong quá trình tái đầu tư, nhân viên hỗ trợ thì không thể liên hệ, v.v.
4.4 Phải mua sản phẩm trước khi tham gia
Thông thường, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một số tiền nào đó coi như là phí tham gia. Ví dụ như mua một khóa học, một loại sản phẩm, gói tài chính ngắn hạn nhưng mang lại nhiều lợi ích, không mua nhanh sẽ hết chẳng hạn, v.v. Và đây chính là lúc chúng lừa tiền của bạn để trả cho những người đi trước.
4.5 Giấy tờ không được minh bạch
Chính xác hơn là nhà đầu tư không được quyền, phép và không thể xem các giấy tờ của chúng. Bởi đơn giản là không có giấy tờ hợp pháp để xem. Không một Mô hình Ponzi lừa đảo nào có thể cung cấp được giấy tờ hợp pháp cho mình.
Tổng kết
Mô hình Ponzi là gì thì thông qua bài viết này chắc mọi người đều nắm rõ. Biến tướng ngày càng nhiều nên hi vọng nhà đầu tư có thể tỉnh táo và lựa chọn cho mình chính xác hơn.