Thông tin bất cân xứng diễn ra rất nhiều trên thị trường và cuộc sống. Việc thiếu thông tin có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Chúng ta cùng đến với bài viết để hiểu hơn về nó, xem những ảnh hưởng cũng như biện pháp khắc phục của hiện tượng này.
1. Lý thuyết thông tin bất cân xứng là gì?
Khái niệm
Thông tin bất cân xứng (viết tắt của Asymmetric Information) là trạng thái mà lượng thông tin nhận được từ đối phương, về các vấn đề liên quan đến giao dịch của mỗi bên không có sự cân bằng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đưa ra các quyết định.
Lý thuyết được nghiên cứu bởi George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz lần đầu xuất hiện vào năm 1970.
Trong một số giao dịch, người bán có thể lợi dụng tính bất cân xứng này để kiếm lời từ người mua, vì người mua sẽ không được nắm quá nhiều thông tin về mặt hàng và thường xuất hiện trước khi ký kết. Ở một số quốc gia, sự minh bạch về thông tin, cơ sở hạ tầng hay công nghệ yếu kém thì sự mất cân bằng này lại càng là mối đe dọa lớn.
Đặc điểm
Sự chênh lệch về thông tin giữa hai bên có 3 đặc điểm sau:
- Thứ nhất: các bên giao dịch nhận được lượng thông tin khác nhau. Ví dụ: Trong thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư sẽ không thể nắm được tất cả các thông tin của cổ phiếu, biết được những cổ phiếu nào là uy tín. Chất lượng một công ty chỉ có công ty đó mới thật sự biết. Điều này sẽ là một khó khăn cho những nhà đầu tư khi tạo bộ lọc cổ phiếu và chọn chiến lược đầu tư phù hợp.
- Thứ hai: gặp cản trở trong việc truyền thông tin giữa các bên. Một khi thông tin được truyền đi qua trung gian, thì đó lại là một vấn đề. Vì là trung gian, nên bạn không chắc chắn được là thông tin nhận được có chính xác hay đã bị thổi phồng, bóp méo.
- Thứ ba: Thông tin của một bên chính xác hơn bên còn lại. Dù khi thông tin được công bố nhưng bạn vẫn không thể chắc chắn rằng thông tin đó là hoàn toàn chính xác.
2. Nguyên nhân dẫn đến thông tin bất cân xứng
Sau đây là một số thông tin dẫn đến hiện tượng các chủ thể nắm thông tin bất đối xứng:
Thứ nhất: Cố tình che giấu, việc này nhằm mang lại lợi ích cá nhân, đạt được lợi thế hơn trong giao dịch
Thứ hai: Tác động của một số chính sách kinh tế
Thứ ba: Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mức sống khác nhau dẫn đến sự nắm bắt các thông tin trở nên hạn chế
Thứ tư: Những chủ thể khác nhau sẽ có sự quan tâm về những mặt khác nhau và thông tin của họ về một đối tượng sẽ khác nhau.
3. Tác động và hệ quả của bất cân xứng thông tin lên thị trường
Bất đối xứng thông tin ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, ngay cả trong cuộc sống mua bán, đi chợ cho đến nền kinh tế của một quốc gia, ví dụ như ảnh hưởng đến các giao dịch chứng khoán, …. Có hai hệ quả chính khi có sự mất cân bằng thông tin.
Lựa chọn đối nghịch – Adverse Selection
Lựa chọn đối nghịch xảy ra trước khi giao dịch được bắt đầu, thông tin bị che đậy, dẫn đến một bên có ưu thế về thông tin hơn. Chính xác hơn bất cân xứng thông tin làm bạn định giá sai, dẫn đến một sự nhầm lẫn, tưởng rằng mua được thứ tốt, kiếm được món hời nhưng thật ra là lỗ.
Thị trường vay vốn, những người có rủi ro vỡ nợ, không trả được nợ nhất lại là những người tích cực trong việc tìm kiếm khoản vay. Và nhiều khả năng những người cho vay sẽ lựa chọn trúng những rủi ro này để trở thành một bên đối tác giao dịch.
Ví dụ: Mua bán xe cũ. Lúc này sẽ có 2 bên là bên muốn bán và bên muốn mua lại xe cũ. Có 2 trường hợp về người bán là muốn bán chiếc xe với chất lượng vẫn còn tốt với giá 8000$ và bán những xe chất lượng và động cơ không còn tốt nữa với giá chỉ 4000$. Người mua trong trạng thái thông tin bất cân xứng, không biết được chất lượng vì thế chỉ có thể chọn một mốc trung bình là 6000$. Vậy những người ở trường hợp 2 sẽ luôn luôn sẵn sàng bán và trường hợp 1 sẽ không muốn bán chiếc xe của mình vì bị định giá thấp hơn. Điều này dẫn tới những xe tốt sẽ được bán rất ít những xe chất lượng thấp lại được bán nhiều hơn.
Rõ ràng cho thấy thông tin bất đối xứng này đã tạo nên nhiều tình huống oái oăm, gian lận trong quá trình hợp tác, giao dịch. Ngoài ra, nó còn tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Rủi ro đạo đức – Moral hazard
Xảy ra khi giao dịch vừa mới bắt đầu, thông tin của một phía bị che đậy. Đây là tình trạng bên nắm giữ được nhiều thông tin hơn, biết được phải làm gì để mang lại lợi ích cho bản thân, có động thái thay đổi hành vi của mình gây bất lợi cho bên còn lại.
Rủi ro đạo đức này xuất hiện ở nhiều thị trường như chứng khoán, bảo hiểm, vay vốn,….Một bên sẽ có những hành động thiếu đạo đức, gây ra những hậu quả xấu cho bên còn lại. Như trong vay vốn, người vay sử dụng số tiền đi vay không như những gì đã ký kết và hậu quả gây nên có thể không trả được món nợ.
Ví dụ: Trong lĩnh vực bảo hiểm, trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm xe máy, công ty bảo hiểm sẽ không biết được thông tin chính xác của khách hàng. Và khi đã ký kết hợp xong cũng vậy, họ sẽ không thể theo dõi tất cả các khách hàng của mình được. Người ký hợp đồng có khả năng chủ quan, ỷ lại, bất cẩn làm mất xe. Điều này gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty bảo hiểm.
4. Biện pháp khắc phục
Thông tin bất cân xứng gây ra những tổn thất đáng kể cho nền kinh tế, chất lượng cuộc sống. Làm thị trường hoạt động kém hiệu quả. Có 3 cơ chế khắc phục hiện tượng này là cơ chế phát tín hiệu, sàng lọc và giám sát.
Cơ chế phát tín hiệu – Signaling
Cơ chế này được chỉ ra bởi Michael Spence, cơ chế này chỉ ra rằng, những người có thông tin nhiều hơn sẽ phát tín hiệu cho bên có thông tin ít một cách trung thực, chính xác. Ông đưa ra ví dụ sau. Những nhà tuyển dụng sẽ không thể biết được năng lực thực của những ứng cử viên mà mình tuyển dụng. Vì thế các ứng cử viên, có thể phát tín hiệu cho nhà cung cấp bằng cách cung cấp những bằng cấp của bản thân.
Cơ chế sàng lọc – Screening
Joseph Stiglitz cho rằng những người có thông tin ít vẫn có thể tự cải thiện được sự thiếu hụt đó qua cơ chế này. Ông cho rằng những người thông tin ít có thể trực tiếp thu thập thông tin từ đối tác qua việc đặt ra các điều kiện giao dịch. Cơ chế này giúp phân loại thông tin để đạt được hiệu quả và giảm thông tin bất đối xứng. Ví dụ về hợp đồng bảo hiểm, khi các công ty bảo hiểm không biết được khách hàng của họ có tạo nên rủi ro đạo đức hay không thì họ thường sẽ đưa ra nhiều loại hợp đồng với mức phí khác nhau. Những người ít rủi ro hơn thường sẽ chọn hợp đồng phí thấp.
Cơ chế giám sát
- Cơ chế giám sát gián tiếp: bên ít thông tin hơn sẽ phải tiêu tốn tài sản để có thể thu thập các thông tin của bên còn lại. Cách này khá tốn kém
- Cơ chế giám sát trực tiếp: bên ít thông tin sẽ tạo những điều khoản trong hợp đồng để hạn chế những bất lợi mà bên đối phương có thể gây ra cho mình.
5. Ưu và nhược điểm của thông tin bất cân xứng
Ưu điểm
Sự bất cân xứng trong thông tin không hẳn là một điều xấu. Đôi khi một sự gia tăng trong thông tin bất cân xứng cho thấy kết quả của một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Khi những người lao động cố gắng chuyên môn hóa lĩnh vực, mà họ chọn để trở nên năng suất hơn. Nhờ đó, có thể cung cấp những giá trị cho những người ở các lĩnh vực khác. Mỗi người trong các lĩnh vực sẽ có những ưu thế riêng, tạo nên những điểm lợi riêng, không ai có thể nghiên cứu chuyên sâu được tất cả mọi lĩnh vực.
Ví dụ: những nhà môi giới, lượng thông tin kiến thức về môi giới của họ có thể giúp đỡ những người nông dân đầu tư kiếm lợi và ngược lại, những nhà đầu tư sẽ không cần phải tự đi trồng trọt để kiếm thức ăn, mà có thể mua được từ những người nông dân.
Nhược điểm
Sự bất cân xứng thông tin có thể tạo nên sự gian lận, lợi dụng lỗ hở thông tin của đối phương để kiếm lợi.
Trong một số trường hợp thông tin bất đối xứng, một bên có thể trả đũa bằng việc vi phạm hợp đồng, trong khi bên kia không thể.
Sự chênh lệch thông tin tạo nên sự mất cân bằng. Ví dụ với thị trường chứng khoán, đôi khi bạn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào, thì thị trường đã thay đổi một cách nhanh chóng. Vì một số nhà đầu tư nắm được thông tin mật và tiến hành giao dịch ngay cả khi nó chưa được public.
Thông tin bất cân xứng tạo nên những khiếm khuyết rất lớn. Vì thế, trước khi làm một việc gì bạn cần phải tìm hiểu, nắm rõ về những gì mình sẽ và đang làm. Đánh giá thông tin một cách chính xác nhất có thể. Đừng chủ quan tin vào những lời nói suông.
Tổng hợp: toptradingforex.com